Vậy là đã đi được gần nửa chặng đường của khoá huấn luyện khắc nghiệt #CIOCoaching của #CIOVietnam.
Sau 4 tuần lăn lộn từ lý thuyết tới thực hành ở môn học gần đây nhất – MIS (Managing Information System), cái mình học được nhiều nhất là “làm có thể nhỏ, nhưng tư duy phải lớn”.
Có thể mình chưa xây gì nhiều trong hệ thống, có thể mình chỉ đơn giản là thay một cái “task” chạy bằng cơm qua một “công cụ” tự động. Nhưng quan trọng nhất là mình hiểu được “tool” thật sự nằm đâu trong bức tranh lớn của doanh nghiệp, giúp business đạt được cái gì, lợi ích gì, và làm sao đo đạt được giá trị này một cách cụ thể, thuyết phục, để “công cụ” không chỉ đơn giản là “công cụ”, mà nó là một phần trong “hệ thống” có tính gắn kết cao, tạo nên một chuỗi giá trị khép kín, hoặc tạo ra được những giá trị mới cho doanh nghiệp.
Và để làm được điều đó thì hiểu business không chưa đủ, mà phải lý luận được tại sao trong chuỗi hoạt động ấy, mình lại chọn cải thiện, thay đổi cái “node” này để làm thay đổi dòng chảy thông tin trong doanh nghiệp. Như vậy thì IT mới có thể nâng tầm, trở thành “partner”, đối tác của business, chứ không phải chỉ là “tech support”, “back-office”, hay là “outsourcing” cho công ty.
Để cảm được điều đó chỉ với 1 business case trong 4 tuần thì quả là không dễ dàng. Nhóm mình phải thay đổi định hướng cả 5 lần, mỗi lần đổi là một lần “rework” gần như toàn bộ case. Lấy bối cảnh của bộ phận HR trong một tập đoàn đa quốc gia, nhóm phải đổi từ một góc nhìn quá rộng, sang một góc nhìn quá hẹp, và rồi cuối cùng cũng thấy điểm sáng khi phân tích sâu vào luồng vận hành, và kết nối nó với “vision” rộng hơn của tổ chức để từ đó, nhóm vừa giải quyết được vấn đề trước mắt của CPO, vừa “bán” được một cái bánh vẽ tương lai đầy triển vọng, với số liệu và dẫn chứng cụ thể về tính khả thi.
Để đạt được điều đó, nhóm phải làm sao đưa phương pháp luận vào 3 khía cạnh của bài toán hiện tại theo thứ tự: People (Con Người) – Process (Quy Trình) – và cuối cùng mới là Technology (CNTT). Chỉ cần suy nghĩ về CNTT đầu tiên là cả góc nhìn của bài toán thay đổi hoàn toàn, vì lúc đó mọi lý lẽ đều không còn lấy con người, quy trình, hay nói rộng ra là doanh nghiệp làm đầu nữa. Lúc đó ta chỉ đơn giản là đang gán một công nghệ hay ho nào đó cho công ty, chứ không đi giải quyết bài toán doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Thậm chí nhóm phải thay đổi cả góc nhìn với từ “problem” trong bài toán để kiếm đường về đích. “Problem” trong MIS không chỉ đơn giản là “có vấn đề” nữa, mà đó có khi chỉ là thay đổi để bắt được cơ hội tốt hơn, dù là hiện tại chưa có “vấn đề” gì cả. Tuy bài làm về phần implementation strategy còn thiếu sót về độ chi tiết, nhưng ít nhất phần phân tích “problem” đã đi đúng hướng.
Nếu ở Digital Transformation – Chuyển Đổi Số, chúng ta được “bay” để tìm những mục tiêu mới, hướng đi mới trong Cuộc Cách Mạng CNTT 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam, thì MIS sẽ giúp chúng ta đáp xuống, cụ thể hoá bằng những thay đổi, có thể “lớn”, cũng có thể “nhỏ”, nhưng tầm chắc chắn không hề “nhỏ”. MIS giúp chúng ta hiểu được dòng chảy thông tin trong doanh nghiệp đang như thế nào, ảnh hưởng đến ai, bộ phận nào, và cần phải thay đổi thế nào để business có thể đạt được mục đích của mình.
—
Sau 1 tháng nhiều hoang mang, ngỡ ngàng, rồi lại mừng hụt, cuối cùng môn học cũng đã khép lại. Cả nhóm đã thực hiện được “chấp niệm” của chị Mãnh – một bữa ăn đồ Nhật xịn sò.
Tiếp theo là môn Personal Branding – Who Am I với những cái bật ngửa gì khác? Hẹn sau 4 tuần nữa chúng ta biết vậy.
Dương Thành Nhàn – Hạt giống mùa 8 HCM