Sau DITS – nơi tôi học cách nhìn chiến lược số như một hệ tư duy dẫn dắt, tôi bước vào môn học tiếp theo với một tâm thế cởi mở hơn, vững vàng hơn. Business Relationship Management & Leadership (BRM & Leadership) là một chủ đề mà thoạt đầu tôi nghĩ chỉ dành cho những ai làm quản trị cấp cao, nhiều bộ phận, nhiều stakeholder. Nhưng rồi, một lần nữa, tôi lại được “chạm” vào chính mình, lần này không phải từ góc độ chiến lược, mà là từ mối quan hệ giữa con người, giá trị và vai trò lãnh đạo thực sự.
#1. BRM – Mối quan hệ không chỉ để “giữ người” mà để cùng “kiến tạo giá trị”
Tôi luôn biết “mối quan hệ” là thứ cần phải được xây dựng…nhưng tôi chỉ đang làm bằng cảm tính. Tin ai thì hợp tác, thấy hiệu quả thì làm tiếp, khi phát sinh xung đột thì điều chỉnh. Tất cả xoay quanh khái niệm “hợp gu” và “làm được việc”. Nhưng rồi tôi nhận ra, chúng ta không thể xây được doanh nghiệp vững chắc dựa trên mối quan hệ mong manh. Chủ đề BRM giúp tôi nhìn lại tất cả: từ cách tôi đang tương tác với đối tác, với khách hàng, đến cả chính đội ngũ nội bộ. Tôi nhận ra mình đã từng kỳ vọng mối quan hệ tốt sẽ “tự nhiên mà có”, trong khi thực tế, mỗi mối quan hệ trong tổ chức cần được kiến tạo, duy trì và phát triển như một tài sản chiến lược.
Mọi tổ chức, dù ý thức hay không, đều có năng lực quản trị mối quan hệ (BRM Capability). Nó không nằm ở chức danh, mà tồn tại trong cách ta tương tác, xây dựng niềm tin, đồng kiến tạo giá trị cùng người khác. Môn học đưa tôi đến với các khái niệm như:
– Evolve Culture: Thay đổi văn hóa tổ chức không bằng áp lực, mà bằng các mối quan hệ ý nghĩa.
– Build Partnerships: Xây dựng mối quan hệ đối tác chất lượng dựa trên chia sẻ mục tiêu, rủi ro và giá trị.
– Drive Value: Tạo ra giá trị không chỉ từ sản phẩm, mà từ chính quá trình cộng tác.
– Satisfy Purpose: Nuôi dưỡng ý nghĩa tồn tại của tổ chức và con người thông qua mối quan hệ.
Tôi không còn nhìn doanh nghiệp như một cấu trúc vận hành, mà là một hệ sinh thái của các kết nối giữa người – tổ chức – giá trị. Khi các kết nối đủ mạnh, mọi thứ đều có thể chuyển hóa.
#2. Leadership – Khi “Take it EZ”: đơn giản nhưng sâu sắc, chân thành tạo niềm tin.
Là nhóm trưởng và được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ đồng đội team EZ, chúng tôi luôn cùng nhắc nhở nhau “Cứ take it EZ nha!” và đó giờ đây không còn là một khẩu hiệu dễ thương mà là một triết lý lãnh đạo mà tôi đang và sẽ theo đuổi.
Leadership thật sự là khi “đơn giản hóa” cách dẫn dắt, không khoa trương, không gồng mình, mà vẫn giữ được chiều sâu, sức ảnh hưởng và lòng tin. Không cần lúc nào cũng mang theo vai “người dẫn đường”, tôi chọn là “người đồng hành” kiên nhẫn, chân thành. Chúng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu, vẫn phản biện thẳng thắn, vẫn giữ chuẩn mực chuyên nghiệp. Nhưng chúng tôi làm điều đó trong một trạng thái được kết nối bằng niềm tin, không phải bằng thúc ép. Tôi nhận ra rằng, một đội nhóm hiệu suất cao không cần căng thẳng, họ chỉ cần được truyền cảm hứng bởi một người chân thành. Chỉ cần dám chia sẻ, dám kết nối, và dám giữ cho mọi thứ… đủ đơn giản nhưng sâu sắc. Tôi học được rằng, người lãnh đạo không cần có tất cả câu trả lời, nhưng cần tạo ra một không gian an toàn để mọi người dám đặt câu hỏi và đồng kiến tạo giải pháp. Đó là nền móng của niềm tin và cũng là cội rễ của leadership.
#3. Chuyển hoá không phải trong suy nghĩ, mà là bằng hành động
Sau BRM & Leadership, tôi không còn nhìn mình là người điều hành, mà là người kết nối và dẫn dắt bằng giá trị. Tôi đã bắt đầu chuyển hóa bằng những hành động:
– Xây dựng chiến lược mối quan hệ: Tôi chủ động xác định lại các mối quan hệ chiến lược trong hệ sinh thái dự án từ khách hàng, nhà cung cấp, đội ngũ đến cộng đồng. Với từng nhóm, tôi bắt đầu thiết lập cách tương tác riêng, có mục tiêu và kế hoạch nuôi dưỡng rõ ràng.
– Thực hành BRM như một triết lý sống: Từ việc nói chuyện với khách hàng, làm việc nhóm, đến cách tôi phản hồi với những điều không như ý, tất cả đều được điều chỉnh theo hướng chủ động xây dựng quan hệ và tạo giá trị dài hạn.
– Hiểu sâu hơn về giá trị phi tài chính: Tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc đo lường “value” không chỉ bằng doanh thu, mà còn bằng sự gắn kết, cảm xúc, và sự đồng hành của các bên liên quan với tổ chức.
– Thực hành “Take it EZ”: Bắt đầu từ việc làm việc với tinh thần “đơn giản hoá”, lắng nghe, dám sống thật, dám trao quyền, và kiên trì nuôi dưỡng lòng tin bằng sự chân thành.
Với tôi, BRM & Leadership là nghệ thuật kết nối người với người, người với giá trị, và giá trị với hành động. Từ đó, tổ chức sẽ gắn kết với đầy sức sống để linh hoạt trước thay đổi, vững vàng trước thử thách, và tử tế trong cách phát triển.
Chặng 4 khép lại nhưng những bài học, những kiến thức, những chia sẻ từ Anh/Chị Đồng môn SS09, sẽ tiếp tục được ngẫm nghĩ và trau dồi ở tương lai…
Chào chặng 4, tôi đi tiếp đây,…
- Nguyễn Tuyết Hồng – Hạt giống CNTT Mùa 9
- Đơn vị công tác: Brandlove
- Vị trí: Founder
————————
[VỀ CHÚNG TÔI]
– CIO Coaching là một chương trình phi lợi nhuận, huấn luyện các nhà quản lý và lãnh đạo số muốn trở thành CIO (Chief Information Officer – Giám đốc Công nghệ thông tin), CTO (Chief Technology Officer – Giám đốc Công nghệ).
– Đăng ký tuyển sinh ngay: https://ciocoaching.org/tuyen-sinh/