Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện

CIO Coaching

READY ở câu nói trên rất quan trọng và nó đang đề cập đến TÂM THẾ của người học:

1- SẴN SÀNG CAM KẾT thời gian, công sức và tiền bạc;

2- SẴN SÀNG THỰC HÀNH, thực hành và thực hành;

3- SẴN SÀNG KIÊN ĐỊNH để vượt qua những khó khăn ngắn hạn;

4- SẴN SÀNG THAY ĐỔI để tiến bộ và phát triển bản thân;

5- SẴN SÀNG TẬP TRUNG vào LƯỢNG (số lượng & chất lượng) để tạo ra sự phát triển về CHẤT (phẩm chất, khí chất);

6- SẴN SÀNG LÃNH ĐẠO trong quá trình học tập.

 

Rồi một ngày thật tình cờ – khoảng đầu năm 2020, tôi biết đến thông tin chiêu sinh khóa CIO Coaching 2020 thông qua Facebook của anh Đề và anh Cao, và khi ấy tôi cũng đang tham gia học khóa PMP tại Apex Global. Sau quá trình tìm hiểu và trao đổi thêm cùng các anh về chương trình, tôi nhận ra sứ mệnh của chương trình cũng chính là 1 phần hoài bão/ ước mơ của tôi – mong muốn ứng dụng các giải pháp CNTT để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, trên hết mong muốn đóng góp và chia sẻ để phát triển một cộng đồng IT Việt Nam có đủ TÂM và TẦM. Và tôi đã SẴN SÀNG, tôi đăng ký tham gia chương trình và được sàng lọc thông qua 1 buổi phỏng vấn. Và cái ngày mà tôi ngày nhận được thông báo trúng tuyển – được lựa chọn trở thành 1 trong 14 hạt mùa 5, tôi thực sự không biết diễn tả như thế nào – lúc ấy tôi hân hoan, tôi vui sướng và tôi hạnh phúc vì điều đó. Mãi đến bây giờ, tôi thực sự luôn biết ơn cuộc đời đã tạo cơ duyên cho mình được biết đến CIO Coaching, biết đến những người anh/ người thầy trên cả tuyệt vời và những anh chị em đồng môn luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống. Quá tuyệt vời!

 

Trở lại hành trình huấn luyện – diễn ra trong mùa dịch Covid đang diễn biến quá phức tạp, để ứng biến và thích nghi với những tình huống bất khả kháng thì Ban huấn luyện chủ trương thực hiện kế hoạch dự phòng – định hướng thực hiện online coaching (Điểm hạn chế nhất trong quá trình huấn luyện). May thay, mùa 5 đã có màn chào sân trong chuyến offline Retreat Day 2 ngày đầy ý nghĩa – mỗi một hoạt động trong chương trình đều tạo sự gắn kết của những con người xa lạ trở nên gần nhau hơn, những thách thức nhằm bứt phá giới hạn của bản thân và trên hết là đủ can đảm để đương đầu, để quyết tâm cùng nhau vượt qua những chông gai và chinh phục mục tiêu.

 

Và hành trình huấn luyện bắt đầu từ đây, các chủ đề trong chương trình không chỉ dừng lại ở kiến thức chuyên môn, mà còn huấn luyện các kỹ năng mềm cần thiết của một nhà quản lý CNTT:

  • Đến với WHO AM I – đã bao giờ các bạn nghiêm túc đặt câu hỏi Bạn là ai? Bạn muốn gì? và Mục đích sống của bạn là gì? Bạn cần xác định chúng để cuộc sống của bạn luôn đi đúng hướng và biết mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu, ngày càng hoàn thiện bản thân và làm cho cuộc sống của bạn ngày càng tốt hơn. Nó như là kim chỉ nam giúp bạn kiên định hơn với những mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu thì tiếp đến chúng ta cần phải hành động, theo Ken Blanchard “Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta” – và những người lãnh đạo tốt thì họ đều hiểu được quyền lực của tư duy sẻ chia, họ đề cao tính đồng đội và tinh thần đoàn kết hơn là làm việc độc lập, họ thường kết hợp với đồng đội của mình để có thể bước xa hơn, đi được lâu hơn, và phát triển bền vững hơn… Đó là mục đích của chủ đề Leadership and Relationship Management, những kỹ năng mềm trong chủ đề này sẽ đi xuyên suốt trong hành trình sống và làm việc của mỗi người.
  • Ngoài những kỹ năng mềm cần thiết thì một nhà quản lý CNTT cần hiểu được vấn đề thực sự của business là gì? Làm sao để đề xuất 1 giải pháp và kế hoạch triển khai IT Infrastructure và MIS (Management Information System) đáp ứng mục tiêu của business và thực sự phù hợp với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện cách mạng 4.0, đặc biệt là định hướng kế hoạch phát triển và ứng dụng CNTT thì việc tìm hiểu và ứng dụng EA (Enterprise Architecture) vào trong doanh nghiệp cần được xem xét. Khi xây dựng được 1 bức tranh tổng thể của doanh nghiệp, hoạch định tốt các thành phần kết nối và gắn bó chặt chẽ với nhau sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng đánh giá kiến trúc hiện tại so với các mục tiêu dài hạn, tránh được sự đầu tư trùng lặp giữa các dự án cũng như khi scale up hệ thống.

 

  • Và cuối cùng là chủ đề ITSM (Information Technology Service Management) – Một chủ đề không thể thiếu trong chương trình huấn luyện, khi mà ngày nay công nghệ đã trở thành một phần cơ bản của hoạt động kinh doanh hàng ngày, vì vậy quản lý dịch vụ CNTT dần trở nên phổ biến, đang được ứng dụng thực tiễn ở nhiều công ty công nghệ. ITSM được thực hiện thông qua các quy trình, chính sách và giải pháp phần mềm mà đội ngũ CNTT đang cung cấp cho khách hàng (phòng ban internal or khách hàng external) nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ có giá trị thực sự cho khách hàng, đồng thời đảm bảo khả năng phục hồi khi có sự cố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp với tư duy dịch vụ là khách hàng không cần phải quản lý các rủi ro và chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng.

 

Với 8 tháng huấn luyện thông qua 6 chủ đề trên, chúng tôi đã dần thay đổi góc nhìn của 1 IT, chúng tôi nhìn ở góc nhìn của Business nhiều hơn, nhìn tổng thể bao quát hơn, đồng thời 14 hạt đã biết được mình là ai, mình đang ở đâu và mình cần làm gì dưới vai trò là một người quản lý CNTT để mang lại giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng IT Việt Nam. Và cuối cùng, chúng tôi đã hoàn thành khóa huấn luyện mùa 5, xuống núi thành công với tiêu chí “Không bỏ ai lại phía sau”.

@2024 - All Right Reserved.