Nghe câu này có vẻ hơi cực đoan, nhưng đôi khi nó lại thật đến đau lòng. Bản thân tôi cũng mới trải qua việc đặt nhầm niềm tin với người mình nghĩ là có thể tin tưởng, kết quả nhận lại là cú đâm sau lưng đau đớn. Đó là một bài học đắt giá, và hậu quả thì sẽ còn kéo dài.
Trong thời điểm chông chênh đó, tôi được tham gia khoá học “Business Relationship Management & Leadership”. Ban đầu, tôi nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm quản lý, đã điều hành đội ngũ và hoàn thành nhiều dự án lớn nhỏ, thì việc học thêm có lẽ cũng chỉ để “bồi dưỡng kiến thức”. Nhưng thật không ngờ, sau bốn tuần học, tôi mới nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều cơ bản nhưng vô cùng quan trọng trong công tác quản lý và xây dựng mối quan hệ kinh doanh.
Hệ thống hoá năng lực: Xây dựng bản thân từ vai trò Business Relationship Management
Trước khi tham gia khoá học, tôi luôn nghĩ rằng quản lý đội ngũ đơn giản chỉ là giao việc, giám sát, và đảm bảo rằng công việc được hoàn thành đúng thời hạn. Nhưng qua khoá học “Business Relationship Management & Leadership”, tôi đã nhận ra rằng việc quản lý không chỉ dừng lại ở việc vận hành mà còn phải hệ thống hoá chính năng lực của bản thân, đặc biệt khi đảm nhận vai trò của một Business Relationship Manager (BRM).
BRM không chỉ là người quản lý mối quan hệ mà còn là người dẫn dắt, định hình, và điều hướng đội ngũ để mang lại giá trị thực sự cho tổ chức. Điều này đòi hỏi bản thân tôi phải phát triển và rèn luyện ba vai trò quan trọng: Connector (Người kết nối), Orchestrator (Người điều phối), và Navigator (Người điều hướng). Từ đó, tôi mới có thể thực sự hệ thống hóa năng lực của mình và quản lý đội ngũ một cách hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện các vai trò trên, tôi cũng phải tuân thủ 4 nguyên tắc cốt lõi của Business Relationship Management: 1 – Demand Shaping (Định hình nhu cầu), 2 – Exploring (Khám phá), 3 – Servicing (Phục vụ), 4 – Value Harvesting (Thu hoạch giá trị).
Tôi nhận ra rằng, hệ thống hoá năng lực không chỉ giúp tối ưu hoá hiệu suất công việc mà còn giúp duy trì mối quan hệ lâu dài với đối tác, khách hàng dựa trên sự tin tưởng và cùng có lợi.
DISC: Chiếc chìa khóa để hiểu và ứng xử đúng cách
Một trong những điểm sáng của khoá học mà tôi đặc biệt ấn tượng chính là việc phân tích tính cách theo mô hình DISC. Trước đó, tôi đã từng nghe qua về DISC, nhưng chỉ đến khi tham gia khoá học, tôi mới thật sự hiểu được sức mạnh của nó trong công việc quản lý.
DISC giúp tôi nhận biết được tính cách của từng thành viên trong đội ngũ, và quan trọng hơn là học cách ứng xử với họ sao cho phù hợp. Ví dụ, trong đội ngũ của tôi có một thành viên khá bướng bỉnh, thường xuyên thách thức các quyết định của cấp trên và không dễ tiếp thu ý kiến. Trước đây, tôi cảm thấy khá mệt mỏi khi phải đối mặt với những tình huống như vậy. Nhưng sau khi học về DISC, tôi mới nhận ra rằng thành viên này thuộc nhóm “D” – những người có xu hướng mạnh mẽ, quyết đoán và muốn làm việc theo cách riêng của mình. Thay vì cứng nhắc như trước, tôi học cách lắng nghe và trao cho họ sự tự do hơn trong công việc, và điều này đã giúp cải thiện rõ rệt hiệu suất làm việc của họ.
Ngược lại, với những thành viên thuộc nhóm “S” – người luôn quan tâm đến cảm xúc của người khác, tôi học được cách tạo ra một môi trường làm việc an toàn và không gây áp lực. Việc này giúp họ cảm thấy được tôn trọng và từ đó cống hiến nhiều hơn cho đội ngũ.
Niềm tin và cách xây dựng niềm tin bền vững
Bên cạnh việc hiểu rõ tính cách và năng lực của mỗi cá nhân, khóa học còn giúp tôi thấu hiểu sâu sắc về khái niệm niềm tin trong công việc quản lý và lãnh đạo. Trước đây, tôi thường cho rằng niềm tin là thứ tự nhiên có được khi một người lãnh đạo có thâm niên hoặc có khả năng. Nhưng thực tế thì khác. Niềm tin không tự nhiên xuất hiện, nó cần được xây dựng và củng cố qua thời gian và thông qua các hành động cụ thể.
Có 1 câu tôi rất tâm đắc: “Niềm tin không phải là lời hứa, mà là hành động được lặp đi lặp lại.” Điều này làm tôi suy ngẫm rất nhiều. Để xây dựng niềm tin với đội ngũ, tôi không thể chỉ nói những lời hoa mỹ hay đưa ra những hứa hẹn to tát, mà cần phải chứng minh bằng hành động. Việc nhất quán trong cách làm việc, sự công bằng trong các quyết định và minh bạch trong giao tiếp là những yếu tố giúp củng cố niềm tin bền vững.
Không chỉ trong nội bộ đội ngũ, niềm tin còn là nền tảng quan trọng trong mối quan hệ với khách hàng và đối tác. Khóa học đã giúp tôi nhận ra rằng việc xây dựng niềm tin là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và chân thành. Nhưng khi niềm tin được xây dựng vững chắc, nó sẽ là nền tảng cho mọi mối quan hệ bền lâu và thành công.
Bốn tuần học Business Relationship Management & Leadership không chỉ mang đến cho tôi những kiến thức mới mà còn là cơ hội để tôi “đập đi xây lại” tư duy quản lý của mình. Từ việc hệ thống hóa năng lực đội ngũ, đến việc hiểu rõ tính cách từng thành viên qua DISC, và đặc biệt là cách xây dựng niềm tin bền vững, tất cả những điều này sẽ giúp tôi trở thành một nhà quản lý có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn.
Hành trình này đã không chỉ giúp tôi cải thiện kỹ năng quản lý mà còn giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân và cách xây dựng mối quan hệ bền vững trong công việc. Và quan trọng nhất, tôi đã học được cách đặt niềm tin đúng chỗ, để không còn “chết bởi niềm tin đặt nhầm” nữa!
Phạm Xuân Thỏa – Hạt giống mùa 8 HN