Học MIS (Management Information System) mà toàn yêu cầu bán hàng, marketing. Dân IT mà bị bắt suy nghĩ như dân làm kinh doanh. Đầu tiên là tiền đâu, câu hỏi tiền đâu là phải đi xác định ông chủ của mình là ai? Ai là người sẽ trả tiền cho cái giải pháp mình đang làm? Làm IT thì lo thủ kỹ thuật cho cao vô, làm giải pháp cho xịn sò vô chứ bán hàng thì Sales, Marketing lo, mình lo làm gì? Chưa kể, học cái môn này, thời gian làm slide trình bày còn tốn hơn thời gian làm chi tiết (phân tích số liệu, quy trình, đề xuất giải pháp, quản lý dự án, rủi ro,…). Làm slide đọc được là được rồi, mà còn bắt phải đẹp, phải gọn, phải abc, xyz,… sao giống Sales, Marketing dữ thần.
Nếu chưa hiểu thì thấy hơi kỳ, mà hiểu rồi thì tự hỏi sao mình không biết sớm hơn.
Mình đã từng tự nghĩ: cái hệ thống mình làm ra cũng ngon, giải quyết được bao nhiêu là việc nhưng sao không ai thấy mặn mà gì cả? Rồi có những “đứa” thà làm tay, làm excel rồi cuối tháng sờ mờ lờ tổng hợp dữ liệu đối soát, chứ nhất quyết không chịu làm cái hệ thống quản lý vì lý do abc, xyz,… Có thời gian còn ngồi chung với đám bạn làm ra cái hệ thống đi bán, thấy cái giải pháp mình cũng ngon lành cành đào, vậy mà không bán được bên nào. Bán không được thì là do mình không biết sales, thế là đi kiếm thêm đồng bọn về để đi bán, mà đi lòng vòng cũng không kiếm được ai, thế là đắp chiếu nằm không.
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
- Bất đồng ngôn ngữ: đi nói cái hệ thống với ngôn ngữ IT, cần đầu tư nhiêu đây tiền, làm nhiêu đây thời gian với dân kinh doanh toàn thực dụng, khi nào xong, nhiêu tiền, có lợi ích gì, chừng nào lấy lại vốn,… Cái mình nói không liên quan đến cái người nghe quan tâm, họ thấy tốn mà không biết giá trị quy đổi là gì, nói thì nhiều mà không hiểu đang nói gì.
- Cùng là dao nhưng mổ bò và mổ gà nó khác nhau. Cùng là hệ thống, mình thấy nó rất tuyệt vời nhưng chưa chắc áp vào cho người dùng thì họ lại có được giá trị mà họ mong muốn hoặc ngược lại có giá trị nhưng mình không nói được giá trị như thế nào, khi nào thì nó đến (chứ hiện tại là người dùng thấy mệt vì đổi cái này, đổi cái kia)
Chung quy vấn đề là không phải mình làm ra cái gì ngon thì người ta sẽ cần. Đúng người cần mà không nói được giá trị cho họ hiểu thì họ không xài. Cái này dân Sales, Marketing làm tốt hơn dân IT nhiều.
Vậy thì để Sales, Marketing làm chuyện này, IT làm chi?
Nếu chỉ làm IT thì người ta yêu cầu gì mình làm đó thì mình chỉ là SUPPORTER. Nếu mình làm được cái người ta cần, tự bán được cho người ta xài thì mình sẽ là PARTNER. Từ đó, giá trị của IT sẽ cao hơn và có tiếng nói hơn.
Học môn MIS này cũng vậy, BHL không chỉ hướng dẫn về cái chuyên môn IT mà còn cho ta thấy một bức tranh thực tế ngoài kia các ông chủ (cả khách hàng, BOD,…) đang muốn gì và cần gì từ IT. Để đáp ứng được nó, chúng ta ngoài bồi thêm kỹ năng IT mà còn phải đắp thêm cái khả năng kinh doanh (giao tiếp, bán hàng, xây dựng mối quan hệ,…). Học môn này xong thì bản thân cũng tái định nghĩa lại việc làm ra 1 slide thuyết trình là như thế nào, mức độ ảnh hưởng của nó đến thành công ra sao và kỹ năng trình bày cần những gì. Việc này cần được đầu tư và thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Đi ra ngoài hơi nhiều, quay lại IT, MIS sẽ giúp gì cho doanh nghiệp?
- MIS không chỉ đơn thuần là một hệ thống phần mềm, mà còn bao gồm cả quy trình, con người và công nghệ. Nó tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau trong tổ chức. Vai trò của Hệ thống thông tin quản lý (MIS) trong một tổ chức có thể được so sánh với vai trò của trái tim trong cơ thể. Thông tin chính là máu, và MIS đóng vai trò như trái tim. Trong cơ thể, trái tim có nhiệm vụ cung cấp máu tinh khiết cho tất cả các bộ phận, kể cả não bộ.
- Giống như trái tim lọc máu, MIS có khả năng “lọc” và “làm sạch” dữ liệu. Điều này bao gồm việc xử lý dữ liệu thô, loại bỏ thông tin dư thừa hoặc không chính xác, và chuyển đổi nó thành thông tin có giá trị.
- Khả năng “bơm máu nhanh hơn khi cần thiết” của MIS thể hiện qua việc xử lý dữ liệu theo thời gian thực và khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong các tình huống kinh doanh quan trọng.
- MIS hiện đại thường tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và học máy để “thông minh hóa” quá trình xử lý và phân phối thông tin, giống như cách trái tim và hệ thần kinh làm việc cùng nhau để điều chỉnh lưu lượng máu.
- Tính bảo mật và toàn vẹn dữ liệu trong MIS cũng quan trọng như việc bảo vệ hệ tuần hoàn khỏi các tác nhân gây hại. Các biện pháp bảo mật mạnh mẽ giúp đảm bảo “máu” (thông tin) luôn được bảo vệ và lưu chuyển an toàn trong “cơ thể” (tổ chức).
Vậy, người làm MIS sẽ làm gì?
Hình dung, dòng chảy của máu là quy trình, máu sẽ chảy từ nơi này sang nơi khác là các bộ phận trong doanh nghiệp. Tiếp nhận máu, xử lý và hoạt động tại các bộ phận sẽ do con người thực hiện. Dòng chảy có thể chảy một cách tự nhiên trên các con đường đã có sẵn (giao tiếp trực tiếp, giấy tờ,…) hoặc chảy trên các đường ống có các trụ bơm hỗ trợ để đẩy nhanh lưu lượng, điều tiết tốc độ,… Các đường ống và các trụ bơm này chính là hệ thống. Như vậy, người làm MIS sẽ phải hiểu được quy trình (chảy hướng nào, chảy ra sao,…), hiểu được con người tại các bộ phận cần lượng máu như thế nào, sử dụng ra sao từ đó có thể lắp đặt các hệ thống, đường ống một cách hợp lý.
Để làm được việc xếp hình như trên, người làm MIS không được mơ hồ, không trừu tượng, không bay bổng, mọi thông tin phải được dẫn chứng bằng số liệu, bằng quy trình cụ thể. Như vậy, chúng ta phải đào rất sâu vào từng bối cảnh, quy trình, số liệu để tìm ra được cốt lõi của vấn đề và từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện. Vấn đề có thể xuất phát từ quy trình, con người và hệ thống (3 yếu tố cốt lõi của MIS). Nếu vấn đề nằm ở hệ thống thì IT có thể đưa ra giải pháp để thực hiện, vậy thì nếu vấn đề nằm ở quy trình và con người thì sao? Thì không phải việc của IT thì lo làm gì….
Khoan, quay lại xíu, hãy nhớ lại phần đầu của bài viết, có phải đã nói là IT sẽ phải bước thêm 1 bước ra ngoài Biz không? Vậy thì quy trình và con người IT có cần quan tâm không? Câu trả lời là có. Có thể IT không phải là người trực tiếp tác động vào quy trình và con người, nhưng việc triển khai các hệ thống có thể tác động gián tiếp đến quy trình và con người tại tổ chức. Ngoài ra, IT có đủ kiến thức, phương pháp luận để có thể tìm ra các vấn đề cốt lõi tại doanh nghiệp, từ đó, đề xuất các giải pháp thực hiện (không bắt buộc phải là giải pháp công nghệ, mà còn có thể là điều chỉnh quy trình, thay đổi chính sách,…) phù hợp cho từng bài toán cụ thể (Business Case).
Túm lại, học môn này, học 1 được 2,3. Học IT còn được kèm thêm Sales, Marketing. Làm phân tích số liệu, quy trình, dự án,… còn được kèm thêm làm slide, thuyết trình. Đặc biệt là học free mà còn bào BHL mỗi tối, cuối tuần. Môn này học cực, hầu như ngày nào cũng phải học, không nghỉ được buổi nào mà còn cảm thấy không đủ thời gian để làm, có quá nhiều thứ phải thực hiện. Cái gì cũng có cái giá của nó.
Theo quy định thì không được cảm ơn BHL. Nhưng thật sự không thể không cảm ơn BHL (bao gồm cả coach, tiger coach, các assistant) đã rất nhiệt tình đồng hành với team vào từng buổi học nhóm online/offline. Thật sự học được rất nhiều từ mọi người. Ngoài ra, xin được gửi lời cảm ơn tới từng thành viên trong team Ngũ Long đã dành thời gian học cùng nhau, đặc biệt là trưởng nhóm và case owner.
Cuối cùng, cảm ơn Vợ đã đồng hành trong suốt quá trình từ buổi đầu đến ngày hôm nay. Tuần nào vợ cũng làm panacotta cho ăn, nấu chè dưỡng nhan cho uống, lâu lâu còn đổi món để giúp chồng học tập.
Nguyễn Huỳnh Minh Duy – Hạt giống mùa 8 HCM