Từ “ủa” đến “à”: Bắt đầu với chủ đề BRM và Leadership

CIO Coaching Admin

Vậy là đã xong về chủ đề đầu tiên “Business Relationship Management and Leadership” trong chương trình huấn luyện của CIO Coaching với đâu đó gần 5 tuần.

Từ khi bắt đầu quyết định tham gia chương trình huấn luyện này, mình đã xác định với tâm thế “học lại từ đầu” các kiến thức mà mình nghĩ rằng “đã từng biết”. Tuy nhiên, thực tế ngoại trừ Leadership (tên thì không mới nhưng nội dung thì vẫn mới), BRM là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ với bản thân, nó tạo cảm giác như lần đầu biết đến ITIL cách đây hơn 12 năm, với tâm thế không biết gì theo đúng nghĩa đen.

Tất nhiên với tinh thần ham học hỏi (+ ngây thơ), bạn lao vào đọc một cuốn sách hơn trăm trang (nhìn thì có vẻ không nhiều lắm) và nghĩ rằng chắc mình sẽ nắm vững sớm thôi. Nhưng không, sau khi đọc được hơn 20 trang đầu thì thấy bắt đầu có gì đó sai sai, ngó tiếp các đề mục ở dưới thì bắt đầu thêm từ “ủa”. Khi bạn đọc thấy “Demand Shaping” thì phải phân biệt nó với “Demand Governance”, hay như “Servicing” thì phải hiểu nó khác với “Service Management”. Khi team “The Wolf Leaders” (TWL) ngồi lại với nhau thì bắt đầu có thêm sự hoang mang với kiến thức mà chỉ gọi tên thôi là đã bắt đầu thấy “rén” vì mình có thể hình dung tương đối sự phức tạp của nó giữa lý thuyết và thực tế (Value Chain Management, Portfolio Management,…). Cảm nhận khó nhất là lúc bắt đầu kết nối các chủ đề trong sách lại với nhau và với chính chủ đề mình đang học – Business Relationship Management. Với tư duy của người làm kỹ thuật, việc đọc và kết nối thông tin lại với nhau là điều bắt buộc, tuy nhiên logic khi đọc lại không cho được cảm giác này mà nó đơn giản là tạo ra một số chủ đề nhìn có vẻ rời rạc với nhau. Hệ quả là lúc làm phần trình bày của nhóm ở tuần đầu tiên, nó không tạo cảm giác mạch lạc và thông suốt về nội dung định nghĩa BRM.

Và lúc này các anh coach (anh Cường, anh Khoa) xuất hiện để điều hướng mọi người về từng nội dung và định nghĩa cần làm rõ và nên đào sâu. Bản thân mình và team TWL cũng phải điều chỉnh lại cách tiếp cận và phải bắt đầu “định nghĩa lại” những thông tin mà mình “nghĩ rằng mình biết”. Cách tiếp cận mới đã giúp mình và team hiểu ra BRM thực tế là gì trong thế giới IT này. Và tất nhiên, cuộc sống không đơn giản với việc bạn “biết” là xong, câu chuyện là bạn “biết” và bạn “làm được” nó cách nhau… khá xa. Trong các tuần tiếp theo thì bài toán mới được đưa ra, BRM ở đâu và bạn làm gì để nâng cao được Capability về BRM (từ này không biết dịch sao cho đúng) của tổ chức?

Cả lớp bắt đầu lao vào cái hình về Capability Model của BRM sau khi được các anh coach gợi ý, và lần này chúng ta quay lại câu hỏi mới mà cũ: “Vậy nó là cái *** gì vậy?”. Khi mục tiêu của nhóm TWL là cần xây dựng năng lực cho tổ chức dựa trên case study của nhóm đã đề xuất, tuy nhiên vấn đề là cuốn sách đưa cái hình nhưng nó không dẫn chứng cụ thể bạn nên làm gì. Cuốn sách đưa ra những đề mục để làm nền tảng để xây dựng chiến lược nâng cao năng lực BRM của tổ chức. Tuy nhiên, khi bạn “đào” vào cuốn sách thì bạn lại thấy ma trận các nội dung đang xen nhau bằng những chủ đề tương đối lớn và “có vẻ” nó không liên quan với nhau. Các coach phải tốn khá nhiều thời gian để đưa mọi người “trở về” với thực tại. Và sau nhiều lần team ngồi lại với coach để phân tích và tìm hướng đi cho case study (có lần 2 coach phải đi gặp offline team trong ngày trời mưa lớn của Sài Gòn) thì team cũng có đầu ra cho phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề này.

Kết quả cuối cùng về phần bài tập của nhóm vẫn còn cần phải cải thiện cũng như có phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống cao hơn khi mà team vẫn chưa thực hiện nhiều bước đánh giá hiện trạng theo đúng tinh thần của BRM mà vẫn còn dựa theo “kinh nghiệm” khá nhiều. Trong bữa cuối chủ đề, các coach đã giúp mọi người đúc kết lại nội dung về BRM để các các thành viên mùa 08 có thể định hình hoàn toàn về chủ đề cũng như tạo nền tảng đủ để mỗi cá nhân có thể đi tiếp về sau này.

BRM là chủ đề tương đối khó với mình lúc bắt đầu và theo cảm nhận của mình thì mình cần thời gian để bản thân thẩm thấu thật sự những kiến thức này trước khi có thể áp dụng được nó một cách “tự nhiên” vào thực tế. Với 5 tuần của chủ đề này (kèm với Leadership) thì thời gian chỉ là tạo được 1 cái nền kiến thức cơ bản (và hiểu đúng) để mọi người có thể đi tiếp (tìm tòi, tự học, áp dụng …) về sau. Và chắc cần khoảng 6 tháng đến 1 năm để bắt đầu xem xét, đúc kết và thực hành với nó tốt hơn.

Nguyễn Viết Phẩm – Hạt giống mùa 8 HCM

@2024 - All Right Reserved.